Xuất khẩu lao động Nhật Bản: Thiên đường hay địa ngục?

Không ít trường hợp tu nghiệp sinh nước ngoài “vỡ mộng” khi sang Nhật Bản làm việc bởi họ bị đối xử tệ bạc, ép làm việc quá sức, công việc không như hợp đồng, mức lương nhận được quá bèo bọt…

War Nu, 27 tuổi, rời làng ở miền trung Myanmar vào cuối năm ngoái để đến Nhật Bản. Cô đã vay gần 3.000 USD để trả cho công ty môi giới nhằm kiếm được một công việc trong ngành may mặc. Cô được hứa hẹn mức lương tốt và cả cơ hội học kỹ năng mới tại đất nước nổi tiếng về công nghệ tiên tiến.

Tu nghiệp sinh War Nu người Myanmar tại Nhật Bản

Thế nhưng, cô cuối cùng nhận được công việc đơn giản là đóng gói hàng may mặc vào hộp các tông từ 7h đến 22h hoặc thậm chí nửa đêm, 6 hoặc 7 ngày một tuần. Mức lương cơ bản của cô là 530 USD, chỉ bằng một nửa mức được hứa hẹn, cô còn bị ông chủ quát mắng liên tục.

“Thật vô nhân đạo”, cô nói. “Ngày nào tôi cũng bị căng thẳng, tôi rất lo lắng. Tôi không biết diễn tả thế nào thành lời. Tôi đã khóc rất nhiều”.

War Nu đến Nhật Bản theo Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh Kỹ thuật (TITP), được thiết kế để giảm bớt tình trạng thiếu lao động của Nhật và trợ giúp các quốc gia trong khu vực. Chương trình này đào tạo cho người lao động, chủ yếu là người châu Á, 3-5 năm trước khi cho họ về nước.

Đối mặt với tình trạng dân số suy giảm và nhanh chóng già đi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tháng này đệ trình một dự thảo luật trước quốc hội cho phép 345.000 lao động nước ngoài có tay nghề khá đến Nhật trong vòng 5 năm tới. Động thái này làm dấy lên tranh luận gay gắt tại quốc hội và cả trên truyền thông. Đảng đối lập chỉ trích kế hoạch của Abe là mơ hồ và hấp tấp.

Nhiều người nói rằng Abe trước hết cần dọn sạch “mớ hỗn độn” là chương trình đào tạo tu nghiệp sinh trước khi mở cửa cho thêm hàng trăm nghìn lao động nước ngoài.

“Với cái mác đào tạo kỹ thuật, chương trình này sử dụng người nước ngoài như lao động giá rẻ, có thể dễ dàng sa thải, để lấp đầy tình trạng thiếu lao động”, Shiori Yamao, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Hiến pháp, nói. “Chúng ta nên sửa đổi cách thiết kế chương trình này vì phẩm giá của quốc gia”.

Khi các cuộc tranh luận diễn ra ngày càng quyết liệt, truyền thông Nhật Bản đã tập trung vào những vấn đề của TITP, với những bài báo về “lao động cưỡng bức”, “điều kiện như địa ngục”, quấy rối tình dục và người lao động bị đối xử như “nô lệ”.

Công nhân nhà máy chế biến cá tại Kamaishi, Nhật. Khoảng 10% công nhân ở đây là thực tập sinh nước ngoài.

Hiệp hội Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tháng trước đưa ra báo cáo kêu gọi xóa bỏ toàn bộ hệ thống tu nghiệp sinh. “Thực tế là rất ít tu nghiệp sinh sinh được đào tạo”, luật sư Masashi Ichikawa nói. Các luật sư cho biết vấn đề chính là tu nghiệp sinh không được chuyển sang làm việc cho chủ lao động khác theo điều kiện thị thực. Nếu họ than phiền, họ đối mặt với nguy cơ mất việc và bị trục xuất.

“Thông thường, người lao động có cơ hội chuyển việc nếu điều kiện công việc không thỏa đáng”, Ichikawa nói. Nhưng các thực tập sinh thì “phải nín nhịn chịu đựng ngay cả khi họ bị áp bức hay vi phạm nhân quyền”.

Trong báo cáo hàng năm về nạn buôn người, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chương trình này đã dẫn đến một số vụ cưỡng bách lao động và người lao động phải trả hàng nghìn USD để kiếm được việc ở Nhật Bản, nhưng cuối cùng bị mắc kẹt trong những điều kiện tồi tệ.

Khoảng 270.000 người nước ngoài, nhiều người từ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Indonesia làm việc tại Nhật Bản theo chương trình TITP. Một số người làm nông như hái dâu tây ở Ibaraki và rau diếp ở Nagano trong khi những người khác làm việc trong ngành sản xuất hoặc xây dựng.

Gifu, thành phố trung tâm của ngành dệt may, ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài giá rẻ để duy trì tính cạnh tranh. Làm việc tại một công ty tên là King Style, War Nu cho biết cô bị cấp trên đối xử như một nô lệ hơn là một tu nghiệp sinh.

“Tôi liên tục phải chịu đựng những ngôn từ xúc phạm, tôi thậm chí không được phép nói chuyện với bạn bè”, cô nói. “Nếu tôi không tuân theo lời ông ta, ông ta sẽ nói ‘người Myanmar không tốt, họ rất xấu’ và dọa đuổi tôi về nước. Tôi rất sợ, nhưng tôi đã nín nhịn chịu đựng”.

Washington Post phỏng vấn 8 phụ nữ khác ở Gifu và họ kể những câu chuyện tương tự: bị trả lương ít hơn hứa hẹn, bắt họ làm việc nhiều giờ hơn và thường không được đào tạo.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York nói rằng người lao động thường vay mượn số tiền lớn để kiếm việc làm, nhưng cuối cùng phải làm việc nhiều giờ trong khi được trả lương dưới mức tối thiểu. Nhiều người làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc không hợp vệ sinh, một số người đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền nặng nếu họ không hoàn thành hợp đồng.

“Lạm dụng tình dục và các quy tắc vi phạm quyền riêng tư, chẳng hạn như cấm dùng điện thoại di động hay yêu đương, cũng là những vấn đề quan trọng”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

Các hành vi lạm dụng này khiến nhiều công nhân bỏ trốn: Khoảng 7.000 người biến mất vào năm ngoái, thêm 4.300 người bỏ việc trong 6 tháng đầu năm nay. Nhiều người trở thành những lao động không có giấy tờ.

Nhận thấy chương trình mang đến tiếng xấu cho đất nước, Nhật Bản đã sửa luật vào năm 2017 để tăng cường giám sát các công ty có thể vi phạm quy tắc và thành lập Cơ quan Đào tạo Tu nghiệp sinh Kỹ thuật (OTIT) mới để giám sát chương trình.

Trước khi luật này có hiệu lực, một cuộc điều tra của Bộ Lao động Nhật năm 2017 đã cho thấy rằng chủ lao động vi phạm quy định tại hơn 4.000 địa điểm – tức hơn 70% số cơ sở bị kiểm tra – khi ép nhân viên làm việc nhiều giờ, thiếu an toàn, trả lương thấp hoặc không đủ.

Kenichi Tatezaki, phát ngôn viên của OTIT, cho biết trong tương lai các công ty bị phát hiện vi phạm quy định có thể bị cấm nhận lao động nước ngoài. Hiện chỉ có một công ty bị tước giấy phép, Tatezaki cho biết các cuộc điều tra khác đang được tiến hành.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng vẫn có ít thay đổi trong thực tế. “Các công ty Nhật không bị phạt”, Myint Swe, chủ tịch Công đoàn của Công dân Myanmar cho biết. “Đây là phân biệt đối xử”.

Các chuyên gia nói rằng chương trình này củng cố lối suy nghĩ rằng người nước ngoài là lao động giá rẻ chứ không phải là thành viên của xã hội, những người bỏ trốn là tội phạm chứ không phải là nạn nhân của lao động cưỡng bức.

Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa, họ cũng sẽ cần nhiều lao động nước ngoài hơn trong những năm tới. Chính phủ Nhật Bản hiểu rằng họ cần phải cạnh tranh hơn nếu muốn thu hút những lao động nước ngoài tốt nhất, đó là lý do tại sao ông Abe đã quyết định giảm bớt hạn chế và chấp nhận cấp thị thực cho lao động có kỹ năng khá chứ chưa phải lành nghề.

Yoshihito Kawakami, luật sư chuyên bảo vệ công nhân bị lạm dụng nói: “Chính phủ đã hy vọng chương trình này sẽ cung cấp đủ lao động, nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng họ không thể nói dối được nữa”.

Takeyuki Hara, luật sư tại Công ty Luật Olympia đại diện cho King Style, cho biết công ty thừa nhận đã có hành vi vi phạm tiêu chuẩn lao động dưới dạng như chưa thanh toán lương.

Với sự giúp đỡ của Myint Swe và JAM – Hiệp hội kim loại, máy móc và công nhân sản xuất Nhật Bản, War Nu đã được đổi việc và vẫn giữ được visa. Cô làm việc tại một nhà máy may khác ở Gifu có điều kiện tốt hơn nhiều. Cô và bạn bè giờ đã vui vẻ hơn rất nhiều.

Theo: Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *