Ngày 1.6.2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) có văn bản đồng ý cho 6 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh hộ lý sang thực tập tại Nhật Bản. Tại Công văn số 1221, Cục chỉ nêu các điều kiện đối với thực tập sinh, điều kiện hợp đồng và không nêu các yêu cầu với doanh nghiệp phái cử.
Kỳ 1: Văn bản mới – một loại “giấy phép con”?
Ngay sau văn bản của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Cục Quản lý), lập tức các DN xuất khẩu lao động cho rằng, việc Cục Quản lý không công khai việc lựa chọn hồ sơ, minh bạch thông tin… Khiến “sự đã rồi” các DN mới biết và không kịp đối chiếu để nộp hồ sơ dự tuyển.
Chọn doanh nghiệp “có bề dày”…
Theo văn bản của Cục Quản lý, 06 DN được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh đi Nhật Bản gồm: Cty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD, Cty CP Phát triển dịch vụ C.E.O, Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long, Cty CP XKLĐ thương mại và du lịch TTLC, Cty CP Đầu tư thương mại Thịnh Long, Cty CP Tập đoàn JVS.
Trao đổi với PV Báo Lao động chiều 19.6, ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước – cho biết, ngày 1.6.2018, Cục đã có văn bản 1221 về việc thí điểm việc triển khai thực tập sinh kỹ năng hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản. Trong đó, cục cho phép 6 DN trong thời gian qua có kinh nghiệm và bề dày đưa thực tập sinh đi Nhật Bản. Ngoài ra các doanh nghiệp này có cơ sở đào tạo tốt. Trong văn bản cũng nói rõ 2 điểm là điều kiện đối với thực tập sinh và đối với doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp có thỏa thuận trước với phía Nhật về mức lương tối thiểu và việc hỗ trợ đào đạo. Phía Nhật sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí cho việc đào tạo đến trình độ N4. Phía Nhật cũng sẽ trả cho phía Việt Nam phí quản lý là 10.000 yen/người. Đoàn thể quản lý phải cam kết trách nhiệm và cung cấp đào tạo chuyên môn để đảm bảo các thực tập sinh này có thể đạt được sang kỳ 2” – ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, cả phía Nhật Bản và Việt Nam đều phải đưa ra các tiêu chí đối với phía tiếp nhận và phải cử. “Chúng ta cũng chỉ đang thí điểm nên tới đây cũng sẽ mở rộng ra các khu vực phía Nam nữa” – ông Liêm cho hay.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao cục chỉ cấp phép cho 6 doanh nghiệp trong khi trước đó không công bố các tiêu chí, quy định cụ thể một cách công khai, ông Liêm cho hay, một số tiêu chí cụ thể thì cả cục và Hiệp hội Xuất khẩu lao động đã họp và trao đổi.
“Chúng ta đang làm thí điểm nên chưa thể để số lượng lớn được, chỉ một số lượng vừa phải. Nếu tốt thì sẽ triển khai mở rộng. Từ xưa tới nay các chương trình thí điểm đều như vậy. Còn các tiêu chí cụ thể thì tại cuộc họp hôm trước, các DN đang thực hiện cũng đã nắm rõ rồi. Tôi chỉ là người cung cấp những thực tế và yêu cầu từ phía Nhật, còn việc các DN được chọn thì các đơn vị chức năng phải căn cứ vào hồ sơ DN gửi lên” – ông Liêm nói.
Chỉ chọn 6 DN là chưa hợp lý
Theo Cục Quản lý, điều kiện đối với thực tập sinh ngành hộ lý, DN chỉ được phép tuyển chọn những đối tượng đã có kinh nghiệm làm công việc hộ lý theo quy định của Nhật Bản để đưa vào đào tạo. Cụ thể phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau: Người có kinh nghiệm chăm sóc cuộc sống thường ngày, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng hay phục hồi sau bệnh tại cơ sở hộ lý hoặc tại nhà… cho người cao tuổi hoặc người khuyết tật; Người đã tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc có chứng chỉ điều dưỡng do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Người đã nhận được chứng nhận hộ lý do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Trước khi xuất cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N4 hoặc tương đương trở lên.
Về các yêu cầu đối với DN, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp thừa nhận, hiện chưa có tiêu chuẩn, Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang đàm phán, 6 DN này được lựa chọn trên kết quả và việc tuân theo quy định của pháp luật trong thời gian qua. “Một phần căn cứ vào xếp hạng của các DN. Trong thời gian đàm phán sẽ sớm đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí. Trong khoảng thời gian tháng 7 sẽ ký và tháng 8 các DN đủ điều kiện sẽ tham gia” – ông Diệp cho hay.
Đại diện 1 DN xuất khẩu lao động cho biết, hiện nay để được phép đưa người sang Nhật Bản xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp phải có giấy phép xuất khẩu lao động, giấy phép được phái cử thực tập sinh sang Nhật và công văn được phép thí điểm của Bộ LĐTBXH. Có một bất cập là, trong khi phía Nhật Bản nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh y tá, điều dưỡng rất nhiều thì Bộ LĐTBXH chỉ có thí điểm có 6 DN là chưa hợp lý.
“Tất cả các DN, Cty đợt này đều không có kinh nghiệm đưa người sang Nhật Bản làm điều dưỡng thì Bộ LĐTBXH căn cứ vào đâu để lựa chọn các DN được phép thí điểm và các DN không được phép. Tại sao không tổ chức công khai việc lựa chọn hồ sơ, minh bạch thông tin… Tại sao Bộ không có thông báo cho các DN được phép phái cử người sang Nhật với các tiêu chí rõ ràng mà chỉ đến khi sự đã rồi chúng tôi mới hay biết. Nếu có một tiêu chí cụ thể từ phía Bộ LĐTBXH, chúng tôi sẽ tự đối chiếu để nộp hồ sơ dự tuyển” – vị này nói.
Ngoài ra, cũng theo đại diện DN, trước đây, việc đưa người sang Nhật Bản làm việc là do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thực hiện. Đến tháng 11.2017, theo quy định mới của chúng ta và Nhật Bản, các DN xuất khẩu lao động được phép đưa người sang Nhật Bản làm việc. “Chủ trương này được xem như loại bỏ các loại giấy phép con, giúp các DN phái cử người sang Nhật Bản được thuận lợi. Thế nhưng đến nay, Bộ LĐTBXH có văn bản chỉ cho thí điểm DN, điều này chẳng khác một giấy phép con gây khó dễ đối với chúng tôi” – đại diện DN cho hay.
Theo: Laodong.vn