Hiện nay cả nước ta đang có khoảng 90 ngàn người đang làm việc tại Nhật Bản theo diện thực tập sinh (xuất khẩu lao động sang Nhật Bản). Trong số những lao động này, nếu ai có tay nghề trình độ sau khi về nước sẽ có thể nhận mực lương cực hấp dẫn: 1 ngàn – 1,5 ngàn USD/ tháng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng”, tổ chức cuối tuần qua. Ông Umeda Kunio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2016, số lượng thực tập sinh kỹ thuật (TTSKT) Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000 người, nâng tổng số lao động này tại Nhật lên tới 90.000 người. Nhờ vậy, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu (soán ngôi Trung Quốc) là quốc gia đưa nhiều lao động nhất sang Nhật.
“Rộng cửa” sang Nhật làm việc
Từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực thi Luật Kiểm soát nhập cư và người tị nạn. Luật này có những điều khoản nới rộng theo hướng tích cực nhằm tiếp nhận nhiều hơn nữa các TTSKT. Cụ thể tăng thời gian lưu trú tối đa của tu nghiệp sinh lên 5 năm, thay vì 3 năm như trước. Mở rộng liên kết để làm thực tập sinh kỹ năng ở nhiều lĩnh vực. Thứ ba là mở rộng khả năng cho doanh nghiệp Nhật tiếp nhận TTSKT. Trước đây quy định mỗi doanh nghiệp Nhật chỉ được tiếp nhận không quá 3 lao động nước ngoài, thì giờ có thể tăng gấp đôi. Ngoài ra, những TTSKT có kết quả học tập và làm việc tốt còn được các doanh nghiệp tiếp nhận của Nhật hỗ trợ một số tiền lớn khởi nghiệp. Số tiền tối thiểu là 130 triệu đồng, tối đa là nửa tỉ đồng, tùy thuộc vào năng lực của từng lao động.
Tại hội nghị, TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố một báo cáo tóm tắt của viện về Chương trình TTSKT Việt Nam tại Nhật. Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi lao động đi TTSKT tại Nhật Bản phải chi một khoản tiền khá lớn khoảng 5.300USD (khoảng 130 triệu đồng). Do không có tiền nên phần đông lao động phải đi vay, nhiều người phải vay tới 4.700USD để đi Nhật làm TTSKT. “So với quy định của Bộ LĐ-TB-XH về mức trần tiền phí lao động đi xuất khẩu lao động là 3.600USD thì mức này cao hơn nhiều” – ông Thành phân tích. Trong suốt 3 năm làm việc tại Nhật, tổng thu nhập của một lao động có thể đạt 44.500USD, trừ các tri phí thì họ có thể tiết kiệm được 24.000 -28.000USD (500-600 triệu đồng).
Xem thêm: Đi xuất khẩu lao động Nhật Bản có khổ không?
Lãng phí nguồn lực
Thông tin từ VEPR cho thấy, mỗi năm có hơn 1.000 TTSKT Việt Nam từ Nhật Bản trở về nước. Tuy nhiên có tới 61% lao động trở về nước và làm những công việc không liên quan tới công việc của họ đã từng học và làm tại Nhật Bản trước đó. Chỉ có 28% lao động trả lời qua khảo sát là có làm những công việc có liên quan với công việc trước đó.
“Có thể lý giải điều này qua hai vấn đề. Một là các lao động về nước không tìm kiếm được những cơ hội việc làm trong các ngành mà họ có kỹ năng, mặt khác cũng có thể khi về nước họ có vốn, tự mở cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ không có liên quan tới lĩnh vực trước đó” – TS Nguyễn Đức Thành lý giải.
Ông Tokunaga – đại diện doanh nghiệp (DN) Meitoku – Plant của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực bảo trì bảo dưỡng thi công thiết kế khoá cửa, cho biết: “Từ năm 2015, công ty đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Lúc đầu việc tuyển dụng lao động của công ty tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bởi phần đông lao động là TTSKT khi về nước đều mong muốn có công việc làm ở những thành phố lớn, với thu nhập cao, trong khi công ty của chúng tôi lại ở Hà Nam” – ông Tokunaga nói.
Sau nhiều lần sàng lọc, công ty đã tuyển chọn được 2 lao động làm việc với vị trí quản đốc phân xưởng, quản lý kỹ thuật. Họ được trả mức lương 1.200 -1.400 USD/tháng (25-30 triệu/tháng).
Về phía người lao động, anh Trần Thanh Sơn (sinh năm 1991, quê Đông Anh, Hà Nội) – đang làm việc tại công ty ở Hải Phong cho biết, sau 3 năm học và làm việc Nhật Bản, Sơn đã về nước và được chính công ty phái cử tiếp nhận làm việc với mức lương hơn 1.000USD (khoảng 22 triệu đồng).
Ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) cho rằng chúng ta đang thiếu các giải pháp kết nối và hỗ trợ việc làm cho lao động sau khi về nước. Điều này khiến cho Việt Nam đang bị lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Vamas đang khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ tuyển dụng hoặc tìm kiếm việc làm cho các TTSKT sau khi họ về nước.
Theo: NLĐ