Lãng phí nguồn lao động trở về từ Nhật Bản

Các lao động của Việt Nam trở về từ Nhật Bản là nguồn lao động có tay nghề và kinh nghiệm tương đối tốt, song các doanh nghiệp chưa tận dụng nguồn lực này, gây nên sự lãng phí rất lớn.

Vấn đề trên lần đầu tiên được đề cập trong Hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Katsuro Nagai, Công sứ kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản) cho biết, hiện 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật.

0-tu-nghiep-sinh-nhat-ban

Trong khi đó, lượng tu nghiệp sinh của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đang tăng lên nhanh chóng. Số liệu thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, nếu năm 2014, có hơn 16.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, thì năm 2015, con số này tăng lên hơn 27.000 người.

Ông Nagai cũng nhận định, trong tương lai, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung sẽ còn tăng lên. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu của các doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đang là vấn đề đáng quan tâm.

Theo một khảo sát của Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Nhật Bản, có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát trả lời họ đang thiếu công nhân có trình độ kỹ thuật. Trong khi khoảng 20.000 thực tập sinh của Việt Nam sau khi về nước đã không phát huy được kỹ năng và kinh nghiệm sau thời gian làm việc tại Nhật Bản.

“Lao động Việt Nam được nhận định là chăm chỉ và hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản đều tỏ ra muốn tuyển dụng các thực tập sinh tại tất cả các ngành, trong đó nhu cầu đặc biệt nổi trội tại lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên, rào cản một phần đến từ mối liên kết 3 bên không tốt”, ông Nagai nói.

Nhu cầu lao động có kỹ năng của các doanh nghiệp Nhật Bản được ông Matsushita Takashi, cố vấn cao cấp Văn phòng JICA tại Việt Nam nêu lên rõ hơn qua số liệu: tới 80% doanh nghiệp Nhật Bản đang cần kỹ sư thực hành, 44% doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi kỹ năng nghề bậc 2, trong khi đa số lao động Việt Nam đã từng làm việc tại Nhật đều có kỹ năng nghề từ bậc 3 trở lên.

Ông Lê Việt Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng khẳng định, cơ hội cho các thực tập sinh có kỹ năng khá lớn, nhiều thực tập sinh được nhà trường cử sang Nhật Bản tu nghiệp, học tập và làm việc, sau khi trở về nước đã trở thành những “key person” tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo ông Việt Anh, một số doanh nghiệp Nhật Bản chỉ cử giám đốc và phó giám đốc người Nhật sang điều hành, nên cơ hội nhận được những vị trí quan trọng khác cho những người có kinh nghiệm tại nước sở tại là cao.

Để cung và cầu gặp nhau, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cần giải quyết chính là mối liên kết giữa các tu nghiệp sinh, các công ty xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Vương Anh Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nguồn nhân lực Worklink cho biết, công ty ông đã bước đầu kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và tu nghiệp sinh với những doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng chỉ mới làm việc được với một doanh nghiệp xuất khẩu lao động là Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư MH Việt Nam.

Theo ông Sơn, không nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có tầm nhìn dài hạn cho người lao động sau khi họ về nước. Để tận dụng được kỹ năng, kinh nghiệm và tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước thì đòi hỏi người lao động phải đáp ứng các điều kiện như trình độ tiếng Nhật, kỹ năng thực hành, năng lực giải quyết vấn đề, hiểu biết văn hóa và phương pháp quản lý của Nhật Bản… Những điều này đơn vị xuất khẩu lao động phải có định hướng trước khi đưa người đi lao động Nhật Bản.

Ông Sơn cho biết thêm, mỗi tháng, doanh nghiệp ông chỉ tuyển được khoảng 40 vị trí việc làm cho các thực tập sinh đáp ứng được nhu cầu, mặc dù công ty có những đơn hàng lên tới 1.000 – 2.000 lao động.

“Mục tiêu của người lao động Việt Nam khi sang Nhật Bản chủ yếu là kiếm tiền, khiến họ không đủ thời gian tích lũy đủ kiến thức cho chiến lược dài hơi khi trở về nước. Thậm chí có những người trình đủ mọi bằng cấp, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”, ông Sơn nói.

Là đơn vị đã đưa gần 5.000 thực tập sinh sang Nhật, ông Phạm Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD cho biết thực tế, mặc dù những tu nghiệp sinh này có đầy đủ điều kiện tạo nguồn cho các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với Nhật Bản, hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhưng hàng vạn thực tập sinh sau khi về nước không sử dụng kỹ năng đã được thực tập, do bất cập về phân bố ngành nghề sử dụng, vị trí địa lý nơi sinh sống, nơi làm việc, thay đổi mục đích và định hướng công việc.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có sự hợp tác bài bản với các doanh nghiệp môi giới, các doanh nghiệp Nhật Bản, cùng sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng cả phía Nhật Bản và Việt Nam, thì việc tận dụng nguồn nhân lực từ thực tập sinh Nhật Bản sẽ không chỉ đem lại bài toán kinh tế cao, mà còn là giải pháp căn cơ nhất làm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại thị trường này”, ông Dũng nói.

Theo: Báo đầu tư

Lao động nước ngoài tại Nhật sẽ vượt 1 triệu người

Mạnh tay xử phạt doanh nghiệp XKLĐ sai phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *