Dự án “Vạn Lý Trường Thành” tại xứ sở Mặt trời mọc

QĐND Nhật Bản đang tiến hành dự án xây các bức tường chắn sóng biển được ví như “Vạn Lý Trường Thành” nhằm ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, dự án này lại đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi lớn trong dư luận xứ sở Mặt trời mọc.

Hãng tin RT mới đây cho biết, khoảng 440 bức tường chắn sóng biển, có tổng chiều dài 400km và có độ cao bằng tòa nhà 5 tầng, sẽ được xây dựng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng hai năm tới với chi phí 820 tỷ yên (khoảng 6,8 tỷ USD). Theo chính quyền Nhật Bản, mục tiêu của dự án này là nhằm ngăn chặn những thảm họa thiên nhiên như động đất-sóng thần từng xảy ra hồi năm 2011 tại nước này, khiến 18.500 người chết hoặc mất tích, dẫn đến thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma. Được biết, các địa phương nằm trong phạm vi bảo vệ của dự án cũng chính là 3 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong thảm họa kép động đất-sóng thần cách đây 4 năm gồm Phư-cư-si-ma (Fukushima), Mi-a-gi (Miyagi) và I-oa-tê (Iwate). Dẫu vậy, chiều dài 400km xem ra vẫn chưa đủ bởi AP dẫn một báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản chỉ ra rằng, có đến 14.000km trong số 35.000km đường bờ biển của Nhật Bản cần được bảo vệ trước nguy cơ sóng thần.

Hiện đang tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều về dự án “Vạn Lý Trường Thành” tại Nhật Bản. Theo AP, những người ủng hộ lập luận rằng, đây là một việc “không ai mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận” và dự án sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Một dẫn chứng cụ thể được những người tán đồng dự án đưa ra, đó là trường hợp bức tường chắn sóng từng thể hiện rõ ràng vai trò hữu ích của mình ở làng Phư-đai (Fudai), tỉnh I-oa-tê. Báo Guardian cho biết vào thập niên 1980, người đứng đầu của làng Phư-đai đã kiên quyết xây một bức tường khổng lồ dọc bờ biển dù vấp phải nhiều lời chỉ trích cho rằng đây là kế hoạch đắt đỏ. Tuy nhiên, nhờ vào sự bảo vệ của bức tường này, khoảng 3000 người làng Phư-đai đã vượt qua thảm họa năm 2011 với ít tổn thất nhất. “Những bức tường cao sẽ bảo vệ các khu dân cư và tuyến sơ tán”, ông M.Cô-đa-ma (Mitsutaka Kodama) thuộc Ban Tái thiết Mi-a-gi khẳng định.

Một bức tường chắn sóng biển đang được xây dựng ở tỉnh I-oa-tê. Ảnh: AP
Một bức tường chắn sóng biển đang được xây dựng ở tỉnh I-oa-tê. Ảnh: AP

Ở chiều ngược lại, những người phản đối cho rằng dự án gây tốn kém, trở ngại cho ngành thủy sản và quan trọng hơn hết là không giúp bảo vệ được người dân trước thảm họa thiên nhiên.

“Tường chắn sóng thần sẽ bảo vệ tính mạng người dân nếu các ngọn sóng không vượt chiều cao bức tường, cũng như áp lực sóng không lớn hơn sức trụ của tường. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ bạn không thể tiên đoán chính xác liệu sóng thần sắp tới sẽ cao bao nhiêu, do vậy cũng không thể bảo đảm 100% sự an toàn từ các bức tường. Sẽ luôn có rủi ro, dù bạn xây tường cao đến đâu”, ông C.Đim-mơ (Christian Dimmer), một chuyên gia về đô thị học tại Đại học Tokyo, nói. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cũng đã thừa nhận, những bức tường chắn sóng mới có thể không trụ nổi trước cơn địa chấn mạnh như năm 2011. Theo một người phát ngôn của bộ này, trận động đất cách đây 4 năm là thiên tai chỉ xảy ra một lần trong cả nghìn năm, do vậy không thể ngăn chặn sức tàn phá của nó. Trong khi đó, ông T.I-gu-chi (Tsuneaki Iguchi), Thị trưởng thành phố I-oa-nu-ma (Iwanuma) ở tỉnh Mi-a-gi, cho rằng: “Cách an toàn nhất là để con người sống ở nơi cao hơn. Nếu chúng ta làm được điều này, chúng ta không cần Vạn Lý Trường Thành”.

Phản bác về trường hợp làng Phư-đai, những người phản đối đã lấy dẫn chứng minh họa về những bức tường chắn sóng ở thành phố Ca-mai-si (Kamaishi) cũng thuộc tỉnh I-oa-tê. Trong thảm họa kép hồi năm 2011, những bức tường này đã tỏ ra “vô dụng” và hậu quả là con số tử vong lên đến khoảng 1000 người.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn cho rằng, dự án “Vạn Lý Trường Thành” sẽ chỉ góp phần hủy hoại môi trường sinh thái và quang cảnh biển mà thôi. “Chúng tôi yêu phong cảnh này nên lo ngại về tác động đối với môi trường từ việc xây bức tường chắn sóng biển mà cũng sẽ ảnh hưởng tới kế sinh nhai của chúng tôi”, ngư dân M.Ha-ta-ki-a-ma (Makoto Hatakeyama) ở Mi-a-gi nói với RT. Đáng chú ý là dự án “Vạn Lý Trường Thành” cũng vấp phải sự phản đối của một cá nhân khá “nổi bật”, chính là bà A-ki-ê A-bê (Akie Abe), phu nhân của đương kim Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe). Theo Roi-tơ, bà A-ki-ê A-bê đã nhiều lần xuất hiện trong các buổi phản đối kế hoạch mới mà chính phủ thông qua, với lý do chúng gây tổn hại đến hệ sinh thái địa phương và ngành du lịch.

Vậy nếu như không xây dựng “Vạn Lý Trường Thành” của Nhật Bản, giải pháp thay thế nào có tính khả thi hơn?

Thị trưởng T.I-gu-chi đã đưa ra đề xuất về một “Vạn Lý Trường Thành Xanh”, chính là trồng rừng dọc theo khu vực gần bờ biển trên những ụ đất cao. Ông T.I-gu-chi tin rằng: “Vạn Lý Trường Thành Xanh” tồn tại lâu hơn “Vạn Lý Trường Thành Bê tông”. Theo ông, “Vạn Lý Trường Thành Xanh”, đã bắt đầu được trồng tại một số khu vực ở I-oa-nu-ma, sẽ không thể ngăn chặn sóng thần, nhưng nó sẽ giúp làm chậm tốc độ di chuyển của những đợt sóng sau khi sóng thần ập vào bờ biển và di chuyển sâu vào đất liền.

Theo: QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *