Một số điều cần lưu ý khi thâm nhập thị trường Nhật Bản

Việc xuất khẩu một mặt hàng mà doanh nghiệp có thế mạnh thì không phải là khó, nhưng để giữ được thị trường thì cần phải có cả các lợi thế cạnh tranh khác như giá cả và lợi ích mà sản phẩm mang lại cũng như các dịch vụ khác kèm theo… Cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản là sự giành giật khách hàng không chỉ đối với các nhà sản xuất bản địa mà còn cả với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác nhau trên thế giới.
 
Cạnh tranh trên thị trường thế giới đang ngày càng trở thành một cuộc chiến giữa các thương hiệu chứ không chỉ đơn thuần là "cuộc chiến tranh giá cả, chất lượng" thông thường. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định rõ và tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh của mình cũng như sự khác biệt của sản phẩm cung cấp so với sản phẩm khác cùng loại đang có mặt và chiếm lĩnh thị trường. Hơn nữa, để đứng vững trên thị trường Nhật Bản, các nhà xuất khẩu cần phải tạo được một hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm xuất khẩu, thiện chí muốn thiết lập quan hệ hợp tác làm ăn lâu dài và nên chứng tỏ cho đối tác thấy rằng đó là những mặt hàng xuất khẩu rất có tiềm năng vì đã có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn một cách hoàn hảo và nhanh chóng cũng như thỏa mãn được các đòi hỏi khác về sản phẩm và nhu cầu thực tế của thị trường Nhật Bản.Các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược dài hạn như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tập trung vào các khâu đem lại giá trị tăng cao, thiết kế mẫu mã, xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thương hiệu….


 

(1)Nghiên cứu thị trường: "nhập gia tuỳ tục" là một nguyên tắc không thể thiếu khi tiếp cận bất cứ một thị trường nào. Thị trường Nhật Bản rất đa dạng và năng động, vì vậy các doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường Nhật nên có sự nghiên cứu, xem xét phong tục, tập quán, văn hóa tiêu dùng, sở thích, niềm tin và mức độ chi trả để đưa ra những quyết định nhạy cảm về hàng hóa xuất khẩu hay dịch vụ có thể phù hợp nhanh chóng được với xu hướng của người tiêu dùng.
 
Sản phẩm là thước đo văn hóa người tiêu dùng. Vì vậy điều quan trọng của một doanh nghiệp khi tung sản phẩm của mình ra thị trường phải biết bám sát những tập quán của người tiêu dùng mỗi nước. Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp tăng cường hiểu biết về các yêu cầu của thị trường, tập quán tiêu dùng, hệ thống phân phối, quy chế nhập khẩu nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống.
 
Hàng hóa vào thị trường Nhật Bản qua nhiều khâu phân phối lưu thông nên đến tay người tiêu dùng thường có giá cả rất cao so với giá nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu phải chấp nhận thực tế này để chào hàng cạnh tranh.Tăng cường chủ động đi khảo sát thị trường, thăm các siêu thị của Nhật Bản để hiểu thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người Nhật là rất cần thiết.
 
(2) Nắm chắc thông tin thị trường một cách thường xuyên, tranh thủ nguồn thông tin từ các tổ chức xúc tiến thương mại…
 
(3) Đa dạng hoá sản phẩm, khai thác điểm mạnh, tính độc đáo của sản phẩm của mình. Do sở thích của người tiêu dùng là rất khác nhau, lại liên tục thay đổi, vì vậy việc đa dạng hoá các chủng loại sản phẩm và thường xuyên cải tiến mẫu mã là hết sức cần thiết để đảm bảo sự tồn tại trên một thị trường nơi mà có quá nhiều luồng Hàng hóa khác nhau.
 
(4) Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng Nhật. Để có thể thiết lập mối quan hệ kinh doanh, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Nhật Bản hoặc mở văn phòng đại diện tại Nhật để giới thiệu sản phẩm.
 
Trong thời buổi cạnh tranh cao, việc chủ động tìm đến với thị trường và tiếp xúc bạn hàng, người tiêu dùng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh và thành công cho doanh nghiệp.
 
Các hội chợ triển lãm, các hội thảo về thương mại cũng thường xuyên diễn ra tại Nhật Bản, không chỉ riêng ở Tokyo mà còn ở hầu hết các trung tâm thương mại, công nghiệp và các thành phố lớn của Nhật.
 
(5) Tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, qua mạng Internet và các phương tiện thông tin khác. Từ sự khác biệt về môi trường văn hóa và công nghiệp nên có một số mặt hàng có thể chưa xuất hiện tại thị trường Nhật Bản. Vì thế, việc cung cấp thông tin về công dụng của sản phẩm, cách sử dụng, đặc trưng, chất lượng của sản phẩm trở nên rất quan trọng.
 
Tại Nhật, nhìn chung thông điệp bằng ngôn ngữ hay quảng cáo bằng hình ảnh trên các hệ thống phương tiện thông tin đại chúng như: báo ảnh, tuần báo, đặc san, hệ thống các kênh truyền hình cáp v.v được đánh giá là có hiệu quả quảng cáo vì có thể nhằm vào đúng đối tượng khách hàng.
 
Tuy nhiên, một chiến dịch quảng cáo có thể trở nên lãng phí nếu không có sự phối kết hợp với các chuyên gia trong đúng lĩnh vực và nếu không chuẩn bị một kế hoạch bán hàng hoàn hảo. Quảng cáo và xúc tiến bán hàng là một phần chiến lược tổng thể mà các nhà xuất khẩu nên hợp tác cùng với các đối tác nhập khẩu của mình hoặc các đại lý phân phối sản phẩm để tiến hành một cách hiệu quả nhất.
 
Nói tóm lại, có rất nhiều cách thức quảng cáo, tiếp thị, thâm nhập thị trường nhưng tính hiệu quả đạt được cao hay thấp còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Loại sản phẩm mang đi tiếp thị quảng cáo; tên nhãn hiệu của hàng hóa đối với mỗi thị trường cụ thể; loại hình quảng cáo, phương tiện quảng cáo và đối tượng khách hàng v.v…

Hà Nguyễn sưu tầm