Người dân cần cảnh giác với những chiêu lừa đi xuất khẩu lao động

Liên tiếp các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) được “khui” ra ở nhiều địa phương gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng người dân đứng trước nguy cơ nợ nần, phá sản chỉ vì tin vào viễn cảnh đổi đời mà những kẻ “cò mồi” XKLĐ đưa ra. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền để mổ xẻ nguyên nhân và hướng giải quyết hậu quả của thực trạng này.

Luat su Nguyen The Truyen

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức người vượt biên trái phép sang một số nước châu Á lao động phổ thông. Số lượng người trốn hiện đã lên tới hàng nghìn người, ông nhận định sao về thực trạng này?

Đây là một thực tế khá phổ biến, đáng báo động không chỉ ở Bắc Giang mà là ở hầu hết các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Các đối tượng tổ chức người vượt biên trái phép thường sử dụng người địa phương làm “cò mồi”. Đối tượng nhắm đến là những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có được vốn kiến thức tối thiểu, không có thông tin chính xác về các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Vì vậy khi nghe các đối tượng “cò mồi” dụ dỗ, hứa hẹn là người dân tin ngay. Không những vậy, do nếp sống ở quê nên người nọ lại nói với người kia, tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau. Nhiều khi, trong một số trường hợp chính quyền địa phương do hạn chế về thông tin, nhận thức đã vô tình tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng mà không hay biết. Điều này lý giải tại sao chỉ trong một thời gian ngắn các đối tượng “cò mồi” lao động đã dụ dỗ được 1.200 người thuộc hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn (Bắc Giang) vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp.

Dẫu biết rằng đi XKLĐ “chui” là trái phép và sẽ gặp rủi ro nhưng vì sao người lao động vẫn chấp nhận bỏ ra 5.000-6.000 USD để sang được nước ngoài lao động, thậm chí chỉ là công việc… rửa bát, thưa ông?

Thứ nhất, như đã đề cập ở trên là do người dân quá thiếu thông tin về việc XKLĐ theo con đường chính thống, trong khi khả năng dụ dỗ, thuyết phục của các đối tượng “cò mồi” là rất tốt.

Thứ hai, khi đã đưa tiền cho các đối tượng “cò mồi” và được đi ra nước ngoài làm việc rồi, người lao động đã bị ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi lúc này đây trên vai họ là khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, vì vậy làm sao họ dám từ bỏ, dám trở về, nếu về Việt Nam thì họ sẽ làm gì để trả nợ?

xuat khau lao dong

Xuất khẩu lao động sang nước ngoài (Ảnh minh họa)

Những đối tượng chiếm dụng tiền (phí đi xuất khẩu lao động -PV) sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?

Về việc xử lý vi phạm đối với các hành vi liên quan đến xuất khẩu lao động, tại Điều 74 và Điều 75 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo ông, đâu là giải pháp “xóa sổ” những công ty “ma”, cá nhân “đội lốt” doanh nghiệp đứng ra tuyển dụng người dân đi XKLĐ “chui”?

Người dân bị lừa là do không có thông tin chính xác về hoạt động XKLĐ. Lợi dụng thực tế này, các cá nhân, tổ chức đã bày ra các chiêu trò, vẽ ra các viễn cảnh để lừa đảo những người lao động và dụ họ vào những cái bẫy do các cá nhân, tổ chức này bày ra. Chính vì vậy, các cơ quan chính quyền, các tổ chức xã hội các công ty được giao nhiệm vụ phải cùng nhau vào cuộc, phải đưa các thông tin chính xác về XKLĐ đến với nhân dân tại những vùng kinh tế khó khăn. Thực hiện niêm yết công khai ở nơi công cộng danh sách các công ty, đơn vị, tổ chức có đủ chức năng đưa người đi nước ngoài lao động.

Trường hợp một lao động ở Nghệ An đi xuất khẩu tại thị trường Angola bị tử nạn nhưng không có tiền để đưa xác về nước (nợ tiền viện phí, không có tiền máy bay, tiền mai tang ước chừng 3,5 tỷ). Vậy ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lời của người lao động? Cục Lao động ngoài nước có trách nhiệm gì trong việc này, thưa ông?

Trong trường hợp này, chúng ta phải xét đến việc người lao động này sang Angola có hợp pháp không? Trong trường hợp là XKLĐ bất hợp pháp thì phải có những kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét trách nhiệm của các bên liên quan, người nào sai đến đâu thì xử lý đến đó. Cục Lao động ngoài nước là cơ quan quản lý lao động, chính vì vậy trong trường hợp này gia đình nạn nhân có thể đề nghị phía Cục hỗ trợ trong vấn đề đưa thi thể của nạn nhân về nước với mức chi phí hợp lý đối với các bên.

Cục lao động ngoài nước có trách nhiệm gì trong việc đảm việc quyền lợi người lao động cũng như khắc phục kẽ hở của tình tình trạng XKLĐ bất hợp pháp trong thời gian qua, thưa ông?

Về góc độ pháp lý, ở nước ta đã có hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh các hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động. Vấn đề bây giờ chính là ở người thực hiện. Theo tôi, Cục lao động ngoài nước nên có những chiến lược, kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền, phổ biết, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động XKLĐ cho từng địa phương, từng vùng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý lao động của các nước hiện đang là thị trường XKLĐ chính của Việt Nam là hết sức quan trọng nhằm giải quyết triệt để vấn đề trên.

Xin cảm ơn ông! 

Hương Lan (Thực hiện)

Nguồn ĐSPL

Tuyên Hoàng tổng hợp