Lý do người Việt cần rửa tiếng xấu ở Nhật Bản

Có quá nhiều trường hợp du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc phạm pháp đang tạo ra tiếng xấu ngày 1 lớn khi đất nước chúng ta là 1 trong 3 nước có số lượng người lớn nhất tại Nhật Bản.

Số lượng người Việt phạm tội tại Nhật Bản vượt mặt Trung Quốc

Báo Japan Times, ngày 17/2 dẫn một thống kê gần đây cho thấy, số người Việt Nam tại Nhật đã gia tăng một cách nhanh chóng, lên tới 36,1% trong 5 năm (2015-2016).

Theo thống kê mới nhất, tính đến cuối tháng 6/2017, tổng cộng có 232.562 người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản, vượt qua Brazil và sắp qua mặt Philippines (251.934) để trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại quốc gia này.

Thế nhưng, một thông dịch viên của sở cảnh sát Chiba cho biết gần một nửa số du học sinh Việt tại tỉnh này không thể kham nổi học phí. Rất nhiều người sau đó phải bỏ cuộc và vướng vào con đường kiếm tiền bất hợp pháp, như trộm cắp.

Năm 2015, thủ phạm của 2.556 vụ án hình sự tại Nhật Bản là người Việt Nam, vượt cả con số của người Trung Quốc (2.390).

Kim Hoàng – một du học sinh Việt tại Nhật, kể rằng bản thân luôn tự hào là người Việt Nam, nhưng khi giới thiệu đến từ Việt Nam, chị hay nhận lại nụ cười gượng gạo hoặc là sự lảng tránh sau đó.

Điều này có lẽ không quá khó hiểu khi truyền thông Nhật đã đưa tin nhan nhản về những vụ việc người Việt Nam ăn cắp tại Nhật, thế nhưng mức độ của vấn nạn ăn cắp của người Việt Nam tại Nhật đã đến mức mà cuối năm 2014, Japan Today phải dành riêng cả một bài báo dài đăng trên trang nhất để nói về vấn đề này.

Trong năm 2013, các cửa hàng Uniqlo tại vùng Tokai đã bắt được nhiều người Việt ăn trộm đến hơn 100 lần. Sau nhiều lần canh chừng, cảnh sát đã bắt được toàn bộ nhóm người trên.

Đầu năm 2014, cảnh sát Nhật đã bắt giữ một tiếp viên hàng không người Việt Nam vì tiêu thụ hàng ăn cắp. Cũng trong tháng 12/2014, một người Việt Nam tại tỉnh Gifu bị bắt vì ăn trộm dê thí nghiệm để xẻ thịt ăn.

Japan Today trích dẫn số liệu từ cảnh sát Nhật cho thấy chỉ riêng trong nửa đầu năm 2014, số lượng tội phạm người nước ngoài tại Nhật tăng hơn 10%, tức là tương đương với khoảng 5000 vụ việc.

Thế nhưng khi mà ở Nhật có người đến từ hàng chục quốc gia đang cùng sinh sống, học tập, làm việc thì số lượng người trộm cắp mang quốc tịch Việt Nam “vinh dự” chiếm đến hơn 20%.

Nhu cầu xuất khẩu lao động lớn

Thực tế, điều này là quá đáng buồn, khi theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thống kê và công bố ngày 26/1/2018, thì số lao động Việt làm việc ở Nhật Bản tính đến tháng 10/2017 tăng 40% so với cùng thời điểm năm 2016, lên tới 240.259 người.

Trong cuộc sống đời thường, người Nhật rất tôn trọng kỷ cương và kỷ luật lao động. Dù là một cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Nhật Bản mà Việt Nam đang làm xấu đi hình ảnh của mình.

Điều đáng nói là thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đang rộng cửa tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cả lao động kỹ thuật, đào tạo chuyên tu các chuyên ngành bậc cao cho Việt Nam, thì việc tạo hình ảnh xấu là không nên.

Theo Cục Quản lý lao động người nước ngoài (Bộ LĐTB-XH) dự kiến năm 2018 thị trường Nhật Bản cần trên 60.000 lao động Việt.

Trong đó lĩnh vực xây dựng để chuẩn bị cho các công trình thể thao phục vụ Olympic 2020 trong giai đoạn 2018 – 2020 cần khoảng 10.000 lao động. Còn lại là các công việc khác như làm trong nhà máy xí nghiệp hoặc làm nông nghiệp.

Ngoài lao động phổ thông, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động theo diện kỹ thuật viên Nhật Bản. Đây chính là cơ hội cho những bạn trẻ có bằng cao đẳng trở lên sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay Nhật Bản đã hạn chế tuyển dụng lao động Trung Quốc và tập trung vào tuyển lao động Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.

Đồng thời, phía Nhật Bản cũng lên kế hoạch nhận lại các bạn thực tập sinh đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Nên người lao động Việt Nam, nhất là những lao động đã hết hợp đồng và về nước đúng hạn sẽ có cơ hội lớn trở lại Nhật Bản làm việc trong năm 2018.

Có nhiều ý kiến cho rằng, để nắm bắt và tận dụng được thời cơ có lẽ Việt Nam nên cố gắng “rửa” tiếng xấu thời gian qua để tiếp tục hợp tác và có số lượng lao động xuất khẩu cao hơn nữa sang xứ sở mặt trời mọc này.

Theo: Báo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *