Bộ LĐ-TB&XH – Mạnh tay xử lý sai phạm xuất khẩu lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DNXKLD) vi phạm và nổi bật là vi phạm liên quan đến vân đề thu phí của người lao động (NLĐ) quá cao; DN không có giấy phép hoặc hết phép XKLĐ vẫn hoạt động… Do đó, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ siết chặt hơn trong quản lý XKLĐ, xử lý mạnh tay hơn những sai phạm này

Nhiều hình thức vi phạm

Tháng 11-2015, Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với hơn 110 DN XKLĐ nhằm chấn chỉnh tình trạng thu phí vượt mức quy định và có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Cụ thể, với thị trường Đài Loan, có DN đã thu phí môi giới của NLĐ lên tới 7.000 USD/người trong khi quy định chỉ là 4.000 USD/người. Biết rõ quy định, nhưng nhiều DN vẫn “bắt tay” với các công ty môi giới để ép NLĐ.

xu ly vi pham xkld
Nhiều doanh nghiệp XKLĐ vi phạm sẽ bị xử lý mạnh tay trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Một sai phạm khác đó là nhiều DN không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn tuyển dụng lao động để đưa đi làm việc tại nước ngoài. Riêng với thị trường Hàn Quốc, trong khi lệnh cấm lao động Việt Nam sang đất nước này vẫn chưa được dỡ bỏ thì nhiều người vẫn đi XKLĐ bằng đường du lịch, du học, kết hôn giả… Điển hình là mới đây, nhiều NLĐ tỉnh Hải Dương đã đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc qua đường du lịch mà không cần học hay thi tiếng Hàn Quốc với mức phí lên đến 200 triệu đồng/người. Hai bên thỏa thuận, trong một năm đầu tiên, nếu bị bắt, NLĐ sẽ được bên môi giới hoàn trả một nửa số tiền. Nếu làm việc yên ổn quá một năm thì coi như bên môi giới hoàn thành trách nhiệm. Và đầu tháng 1-2016, có 59 du khách Việt Nam đã trốn ở lại đảo Jeju. Gần 30 người đã bị bắt giữ, trong đó một số bị bắt khi đang làm việc tại nhà xưởng, số còn lại đang bị cảnh sát truy tìm.

Trước đó, tháng 5-2015, Công an TP Hà Nội đã nhận được đơn tố cáo của người dân sống tại huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai về việc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại – phát triển Hoàng Kim thu 300.000 USD của gần 100 NLĐ để đưa họ sang Hàn Quốc  xuất khẩu lao động núp dưới hình thức đi du học. Việc sau đó bị bại lộ do đơn vị này không thực hiện như cam kết khiến NLĐ phát đơn và cơ quan công an vào cuộc điều tra. Ngoài ra, một số lao động do nhận thức, hiểu biết kém nên bị lừa, nhưng cũng có người dù biết đi XKLĐ theo con đường không chính thống là rủi ro nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân.

Siết chặt quản lý, phạt mạnh tay

Từ năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung chấn chỉnh vi phạm của nhiều DN XKLĐ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như không ngăn chặn được “lòng tham” của các DN. Đã có hơn 100 lượt DN bị xử phạt do tuyển dụng qua trung gian, bắt tay với môi giới thu phí cao quá quy định; 39 DN bị thu hồi giấy phép XKLĐ.

Riêng năm 2015, hàng chục DN bị xử phạt với mức cao. Cụ thể: Ngày 2-11-2015, Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom bị phạt 212,5 triệu đồng, tạm dừng hoạt động 3 tháng vì để chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh thu phí trái quy định của 150 lao động nhưng không đưa sang Nhật làm việc; Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng lợi dụng chức năng để tuyển chọn, đào tạo, thu tiền trái phép, bị phạt 175 triệu đồng và đình chỉ hoạt động XKLĐ 9 tháng (kể từ ngày 1-11-2015); Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không bị phạt 150 triệu đồng vì không hoàn trả các chi phí mà NLĐ đã nộp nhưng không đưa NLĐ đi XKLĐ…

Trong nỗ lực chấn chỉnh công tác XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc vi phạm và phạt nặng với các hành vi tái diễn. Cụ thể với thị trường Đài Loan, Bộ đề nghị Ủy ban Lao động thuộc Viện Hành chính Đài Loan loại DN vi phạm khỏi danh sách công ty môi giới nước ngoài được phép cung ứng lao động vào vùng lãnh thổ này hoặc tước giấy phép XKLĐ theo luật định.

Tại các thị trường nói chung, DN nào giao nhiệm vụ cho quá 3 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố hoặc để xảy ra sai phạm ở các chi nhánh sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 180 triệu đồng; DN cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép, mức phạt tiền từ 180 triệu đến 200 triệu đồng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng công khai trên website của Cục danh sách DN và các chi nhánh được phép tuyển dụng và đào tạo để NLĐ có lựa chọn đúng đắn. Các DN phải khống chế tỷ lệ lao động bỏ trốn, nếu để số lao động bỏ trốn quá cao Bộ sẽ tạm dừng hoặc rút giấy phép của DN.

Theo: Báo Hà Nội mới

Xem thêm:

Sự thật việc lao động Việt Nam kêu cứu tại Nhật Bản

4 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Nhật bị trục xuất về nước

Nhiều hộ gia đình trở thành tỉ phú nhờ XKLĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *