Bất cập vấn BHXH cho lao động ngoài nước

Kể từ ngày 1-1-2016, có khoảng 80.000- 100.000 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài mỗi năm sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đây là một trong những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi 2016.

Phí chồng phí

Theo quy định của Nghị định 115/2015/NĐ-CP, những đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc được chia làm hai nhóm. Nhóm trước đó đã tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài. Đối với trường hợp chưa tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở.

bhxh-bat-buoc-cua-lao-dong-ngoai-nuoc

Đây là mức phí không hề nhỏ trong khi người lao động làm việc trong nước chỉ đóng 8% (do được người sử dụng lao động đóng cùng). Tuy mức đóng BHXH cao hơn nhưng người lao động làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất chứ không phải 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau) như lao động làm việc trong nước. Sự chênh lệch này cho thấy sự bất bình đẳng về quyền lợi nếu so sánh với tương quan mức đóng – mức hưởng giữa những người lao động trong và ngoài nước.

Thực tế, người lao động khi làm việc ở nước ngoài cũng đã cùng với DN ở nước ngoài đóng một khoản phí BHXH không nhỏ. Thông thường đó là các khoản BHXH ngắn hạn (bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm y tế) nhưng cũng có nước như Nhật Bản, quy định phải đóng cả bảo hiểm hưu trí (sau khi hết hợp đồng về nước, người lao động sẽ nhận bảo hiểm một lần). Đó là chưa kể, nhiều lao động ở huyện nghèo đã có BH huyện nghèo. Nếu quy định này đi vào thực hiện, người lao động sẽ phải đóng đến hai hoặc ba lần phí BHXH tại cùng một thời điểm.

BHXH cho lao động ngoài nước (Ảnh minh họa)
BHXH cho lao động ngoài nước (Ảnh minh họa)

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội cho hay, trước đây, để tránh đóng BH 2 lần, lao động Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Malaysia tại Công ty thường chọn không đóng BH tại Việt Nam mà đóng tại nơi họ làm việc.

“Các chế độ BH xã hội, BH y tế của nước bạn khá tốt. Như ở Đài Loan (Trung Quốc) nếu bố mẹ người lao động bị mất thì BHXH nước này sẽ chi trả 50 triệu cho người lao động. Điều này BHXH Việt Nam không làm được. Vậy tại sao lại bắt đóng BH tại Việt Nam một lần nữa khi mà lương của người lao động không phải là cao do tỷ giá đồng Yên hay Ring đều đang hạ thấp”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Công ty Đào tạo và Cung ứng Nhân lực HaUi cho rằng DN XK lao động chỉ là môi giới, hợp đồng là hợp đồng dịch vụ cung ứng lao động chứ không phải chủ sử dụng lao động nên đóng BH là do người lao động chứ DN không có trách nhiệm. Quy định này nên để cho người lao động lựa chọn chứ không phải bắt buộc

Chưa có hướng dẫn cụ thể

Thời hạn người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải tham BHXH bắt buộc sắp đến gần. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho cả DN lẫn người lao động. “Tôi đề nghị Bộ Lao động – thương binh và xã hội có buổi lấy ý kiến DN tìm tiếng nói chung. Tôi được biết hiện việc thực hiện các thủ tục tại BHXH Việt Nam không hề đơn giản, rất nhiều thủ tục lằng nhằng gây khó dễ cho người lao động cả khi muốn thanh toán hay đóng tiếp”.

Giám đốc một DN dịch vụ XK lao động cũng cho biết, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp cho cả DN lẫn người lao động như: Nếu lao động không đóng thì họ có đủ điều kiện đi không, cách đóng và trách nhiệm mỗi bên như thế nào? DN không thu đủ BHXH cho hàng nghìn lao động mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài có bị phạt? DN chỉ làm dịch vụ môi giới thì có phải chịu trách nhiệm trong việc giúp người lao động đóng BHXH hay không?…

Việc đưa nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài vào diện bắt buộc tham gia BHXH là một cách để nâng cao độ bao phủ BHXH. Tuy nhiên, đây sẽ là sức ép lớn cho người lao động khi phải chịu thêm một loại phí nữa với thủ tục rất rườm rà trong khi để được đi làm việc tại nước ngoài họ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Mặt khác, khi quy định này đi vào thực tiễn, nhiều DN lo ngại rằng, đây cũng sẽ là một rào cản với chỉ tiêu XK lao động hàng năm.

Theo: ANTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *