Nhật Bản toàn cầu hóa giáo dục

Đối với Mai Hoài Giang, cô sinh viên Việt Nam tại trường APU, cơ hội để tìm việc làm tại Nhật Bản chưa bao giờ dễ hơn thế khi có đến 300 công ty, tập đoàn, tìm đến trường để chào mời các tân cử nhân đa quốc tịch về làm việc. Giang đã chọn công việc điều hành kế toán tại Uniqlo, chuỗi cửa hàng bán lẻ của tập đoàn Fast Retailing. Cô chia sẻ ước muốn được làm việc tại Việt Nam nếu Uniqlo mở rộng hoạt động tại quê nhà.

Theo tờ Time, nhờ chính sách mở rộng cửa cho giáo dục của Nhật Bản, Giang và các sinh viên nước ngoài đang có nhiều cơ hội làm việc ở đất nước này. Theo chính sách mới, các trường đã có những bước tiếp cận mang tính quốc tế hơn như chào đón sinh viên và giáo viên nước ngoài, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và giảng dạy song ngữ cũng như khuyến khích giới trẻ Nhật Bản du học, tạo điều kiện cho sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp.  Chính sách này xuất phát từ sự thiếu hụt dân số trẻ tại Nhật Bản, tốc độ già hóa nhanh đã tạo ra những bước cản lớn cho việc đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế tại quốc gia đang có khoản nợ công lớn nhất thế giới. Với chính sách mới này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tạo động lực lớn để thay đổi nền giáo dục theo hướng toàn cầu hóa.

Ảnh minh hoạ

Thực tế những năm qua, giáo dục Nhật Bản cũng đã có những bước thay đổi, nhưng diễn ra chậm chạp và không  mấy hiệu quả. Kể từ những năm 1950, hàng tỷ yen đã được chi cho học bổng dành cho các sinh viên quốc tế và các chương trình trao đổi. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009 – 2011, chỉ có khoảng 4% sinh viên nước ngoài học tập ở Nhật Bản. Trong số đội ngũ giảng dạy ở các trường, chỉ có 5% là người nước ngoài và phần lớn là dạy tiếng Anh.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng cho biết, kể từ năm 2000, số sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài du học giảm tới một nửa. Năm học mới ở Nhật Bản thường bắt đầu vào tháng 4 chứ không phải tháng 9 như nhiều nước khác. Chính điều này đã làm phức tạp hóa việc sắp xếp thời gian học tập và trao đổi sinh viên. Nhiều sinh viên cảm thấy lo lắng khi học một năm hoặc một học kỳ ở nước ngoài vì họ có thể bị lỡ cơ hội tuyển dụng của các công ty. Còn các lớp học ngôn ngữ tại các trường trung học lại không chuẩn bị đủ kiến thức cho học sinh muốn đi du học và học tập bằng tiếng nước ngoài.

Cũng chính vì sự khác biệt trong hệ thống giáo dục nên dù nổi tiếng là một đất nước sản sinh ra nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ thế giới nhưng giáo dục của Nhật Bản lại không được đánh giá cao trên bảng xếp hạng toàn cầu. Trường có uy tín nhất của Nhật Bản, Đại học Tokyo, chỉ xếp hạng 30 trong bảng xếp hạng mới nhất về chất lượng giáo dục đại học của tạp chí Times, Mỹ.

Trường đại học tốt thứ hai là Đại học Kyoto chỉ xếp hạng thứ 52, và thứ ba là Viện Công nghệ Tokyo xếp hạng 108. Hiệu trưởng Viện Công nghệ Tokyo, ông Yoshinao Mishima, người có sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học tại Nhật và các trường đại học hàng đầu tại Mỹ và châu Âu, cho rằng thách thức lớn nhất của các trường đại học Nhật Bản là chưa bắt kịp các tiêu chuẩn của thế giới, để cạnh tranh trong một môi trường giáo dục toàn cầu thì sự thay đổi là điều rất cần thiết.

Thái Minh sưu tầm