Du lịch đau buồn – trào lưu mới ở Nhật Bản

Không lựa chọn đến thăm các nhà hàng sang trọng hay những đền thờ cổ kính, ngày nay rất đông đảo du khách tới Nhật Bản muốn trải nghiệm cảm giác lạ ở những thành phố hoang hay các di tích chiến tranh.

du-lich-buon
Cảnh tượng tại thành phố Namie, thuộc khu vực cách lý sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân  Fukushima tháng 3 năm 2011 (Ảnh Internet)

Khi tới Nhật Bản, khách du lịch thường muốn tới nhà hàng, thăm các đền thờ hay thưởng thức trà trong phòng của geisha. Nhưng ngày nay một bộ phận du khách lại muốn thăm các đảo của người mắc bệnh phong, những thành phố hoang vắng vì thảm họa hạt nhân hay những di tích từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Một tạp chí du lịch mới tại Nhật Bản – sẽ xuất bản 4 số mỗi năm – đã dành trọn số đầu tiên để nói về trào lưu mà họ gọi là “Du lịch đau buồn”. Chẳng hạn, một bài mô tả chuyến thăm Viện điều dưỡng quốc gia Nagashima Aiseien dành cho bệnh nhân phong trên một hòn đảo xa xôi thuộc tỉnh Okayama.

Các bài khác của tạp chí đề cập tới khái niệm “Du lịch đau buồn”, đồng thời khơi mào cho một cuộc tranh luận về việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima nên trở thành một điểm du lịch hay không, báo Mainichi đưa tin.

Kaoru Nakata, người từng xuất bản vài cuốn sách về những tòa nhà hoang hoặc các di tích lịch sử đang xuống cấp từ Thế chiến II trên khắp lãnh thổ Nhật Bản, là tổng biên tập của tạp chí du lịch mới. Theo ông, “du lịch đau buồn” ra đời sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011. Hồi ấy nhiều du khách thăm các địa điểm hứng chịu hậu quả thảm khốc của thảm họa kép ở phía đông bắc của vùng Tohoku trên đảo Honsu của Nhật Bản. Sau đó số người thực hiện các chuyến du lịch như thế tăng dần. Giáo sư Akira Ide, một nhà nghiên cứu du lịch của Đại học Oteman Gakuin tại tỉnh Osaka, cũng là một cây bút của tạp chí do Nakata sáng lập.

“Từ thời xưa, Nhật Bản đã hứng chịu vô số thiên tai. Vì thế, Nhật Bản là nơi phù hợp với trào lưu du lịch đau buồn. Loại hình du lịch ấy là cách mới để giới trẻ thưởng thức các chuyến tham quan”, Ide viết như vậy trong một báo cáo dành cho Hội thảo về Khoa học Nhân văn, Văn học và Kinh tế tại thành phố Bangkok vào năm ngoái.

Ide tin rằng nền tảng cơ bản của du lịch đau buồn là chứng kiến hoặc tham gia vào các thảm họa ở từng địa phương. Nó sẽ làm tăng ý thức về thảm kịch và đảm bảo rằng thế hệ tương lai sẽ không quên những sự kiện thương tâm trong quá khứ.

Theo: New zing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *